Phú Thọ đẩy mạnh sức cạnh tranh cho sản phẩm bằng tem truy xuất nguồn gốc dưới dạng QR-Code

Tin tức Đăng ngày 10/09/2021 543 lượt xem

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính là yếu tố cạnh tranh quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của các sản phẩm hàng hóa. Do vậy, bên cạnh các giải pháp, tại tỉnh Phú Thọ nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã (HTX) đã sử dụng tem truy xuất nguồn gốc dưới dạng QR-Code nhằm bảo vệ và khẳng định sản phẩm của mình.

Khách hàng quét mã QR-Code để truy xuất ngồn gốc sản phẩm

Khách hàng quét mã QR-Code để truy xuất ngồn gốc sản phẩm. 

Tại xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao), Công ty Cổ phần Omega Hà Nội đã bắt đầu xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn từ tháng 6/2019, đến nay Công ty đã triển khai sản xuất trên 30ha canh tác theo hướng áp dụng công nghệ cao. Từ đó, hình thành chuỗi liên kết để giám sát chất lượng rau từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nên sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng luôn được đảm bảo.

Ông Bùi Hữu Tư - Phó Giám đốc Chi nhánh Phú Thọ thuộc Công ty Cổ phần Omega Hà Nội cho biết: Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao giúp chi phí về vật tư và công lao động giảm nhiều, nhưng lại cho năng suất cây trồng cao gấp 1,5 lần, chất lượng đồng đều. Nếu trước kia, sản phẩm của Công ty không có mặt trong hệ thống siêu thị thì từ khi được dán tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm đã được vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị VinEco, chuỗi siêu thị Q-max, các trường học, nhà hàng trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. Trung bình mỗi ngày, Công ty cung ứng trên 3 tấn các loại rau, củ, quả theo thời vụ.

Tháng 7/2017, sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô của HTX Mỳ gạo Hùng Lô (thành phố Việt Trì) chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Từ khi có chứng nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm xuất bán ra thị trường được đóng gói, có có tem truy xuất nguồn gốc. Đến nay, mỳ gạo Hùng Lô đã có mặt tại thị trường các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Thanh Hóa, Hà Nội. Mỗi tháng, HTX sản xuất chế biến được hơn 30 tấn mỳ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, doanh thu đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.  

Bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ) được chăm sóc theo quy trình Vietgap

Bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ) được chăm sóc theo quy trình Vietgap.

Ông Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX Mỳ gạo Hùng Lô cho biết: Từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể và có tem truy xuất nguồn gốc, việc tiêu thụ mỳ gạo Hùng Lô đã đi lên rõ rệt. Các công đoạn sản xuất được cải tiến về máy móc, kỹ thuật; sản phẩm sản xuất theo đúng quy trình về an toàn thực phẩm. Khi đóng gói bao bì, sản phẩm của các hộ sản xuất trong làng nghề phải sử dụng chung logo thương hiệu đã đăng ký. Hiện sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô được nhiều người tiêu dùng biết đến, đồng thời cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. 

Thực tế một số sản phẩm hàng hóa sau khi được đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa cùng với việc áp dụng các công cụ hiện đại như quét QR-Code đã giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo đảm nguồn gốc cho người tiêu dùng. Có được kết quả trên, các cấp, các ngành, địa phương cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như: Hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu. Hỗ trợ nông dân sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu nông sản, xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận một số đặc sản của địa phương; đầu tư một phần kinh phí để các đơn vị kinh doanh, người dân duy trì và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu đã được bảo hộ, in tem nhãn, bao bì, tham gia hội chợ triển lãm... để sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao.

“Để đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục tuyên truyền khuyến khích nông hộ sản xuất nhỏ lẻ liên kết hình thành các tổ hợp tác, HTX; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng ATTP nông sản,... tăng cường việc cấp mã số vùng sản xuất; ứng dụng công nghệ số trong quản lý truy suất quá trình sản xuất nông sản và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản Phú Thọ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá giới thiệu nông sản Phú Thọ trên các kênh và đặc biệt tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về hoạt động truy xuất nguồn gốc, kinh doanh nông sản trên các sàn giao dịch điện tử’ - ông Từ Anh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

PV

------

Độc giả đang theo dõi bài viết tại 1Check.vn - hệ thống xác thực điện tử, phát hành tem chống hàng giả hàng đầu tại Việt Nam.

Nhiều người xem