Thời gian gần đây, các hình thức gian lận thương mại diễn ra trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội gia tăng với nhiều thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, phức tạp.
Lợi dụng sự phát triển nhanh của thương mại điện tử và phương thức mua bán, thanh toán qua internet dễ dàng, cùng việc nhiều sàn thương mại điện tử chưa kiểm soát, xác minh hàng hóa chặt chẽ; nhiều tổ chức, cá nhân đã trục lợi, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), mỗi năm Cục nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó, 50% số khiếu nại liên quan các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.
Mới đây, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Trần Thị Hương (trú huyện Ðông Anh, Hà Nội) về hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm. Tận dụng thời điểm người tiêu dùng tìm mua các sản phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe sau dịch Covid-19, Trần Thị Hương đã nhập các sản phẩm thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu Vina Slim V3, Khớp Khang Thọ, Neko Slim, Dream Lybo... về để bán trên các mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Hành vi buôn bán các sản phẩm thực phẩm chức năng giả kém chất lượng này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, gây thiệt hại về kinh tế và uy tín của các sản phẩm chính hãng.
Theo Bộ Công thương, năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ, việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt hơn 20 tỷ đồng. Các đơn vị chức năng của Bộ Công thương đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14 nghìn sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình trạng kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng xảy ra trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng rõ rệt bởi xu hướng tiêu dùng, mua sắm trên internet ngày càng phổ biến và phát triển, kéo theo đó là những chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu ngày càng tinh vi, khó kiểm soát.
Trên các trang mạng, một số đối tượng buôn bán hàng giả thường sử dụng các hình ảnh có thể là hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng, nhằm thu hút người tiêu dùng.
Các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, địa chỉ không có thật hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch, nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa, gây khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm. Chưa kể, việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến, cho nên một số thủ đoạn mới xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như lập nhiều tài khoản Facebook, Zalo, TikTok chạy quảng cáo sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng)…
Ðể giải quyết tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây thiệt hại cho người dân, Nhà nước và các doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) Nguyễn Ðức Lê cho rằng, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và người tiêu dùng. Về lâu dài, cần xây dựng nền tảng thương mại điện tử vững chắc, lựa chọn đơn vị điển hình để đẩy lùi các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Theo đó, xây dựng thể chế, nền tảng cơ sở pháp luật đáp ứng được nhu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian tới đối với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng.
Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam Nguyễn Ðăng Sinh cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng ở những địa chỉ uy tín, không mua hàng ở nơi không rõ địa chỉ kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh xuất xứ hàng hóa. Khi mua hàng, người dân cũng cần lưu hóa đơn, chứng từ, bởi đó là những căn cứ quan trọng để xử lý những kiến nghị, khiếu nại khi phát sinh vấn đề về chất lượng hàng hóa.
Theo Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch 888), Tổng cục Quản lý thị trường đã đặt mục tiêu cụ thể hằng năm để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không những ở thương mại truyền thống mà cả trên thương mại điện tử.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng kết hợp các cơ quan chức năng trao đổi thường xuyên hơn thông tin về hàng giả, hàng nhái; kết hợp các hiệp hội, cơ quan truyền thông để xử lý, ngăn chặn những vi phạm, tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng .
Quý khách có nhu cầu tìm hiểu và sử dụng Tem chống hàng giả 1Check vui lòng để lại thông tin tại đây:
Liên hệ:
Công ty Cổ phần Công nghệ 1Tech Việt Nam
Hotline: 0966.057.528
Email: info@1check.vn