Với hệ thống truyền thống rất khó khuyến khích các hộ làm tốt. Nhưng, với công nghệ số, chuyển đổi số sẽ minh bạch được những hộ làm tốt, có tư tưởng kinh doanh, marketing tốt.
Sáng 23/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức tổ chức tọa đàm trực tuyến “Chuyển đổi số nông nghiệp: Không thể chậm trễ”.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chuyển đổi số trong nông nghiệp không thể chậm trễ, đặc biệt trong tình hình dịch COVID-19. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đầu mối hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên toàn quốc. Trước đây, các hoạt động thực hiện theo phương pháp trực tiếp tại các mô hình sản xuất. Nhưng khi dịch COVID-19 xuất hiện, trung tâm đã chuyển từ lớp học truyền thống sang lớp học online trong các môi trường khác nhau. Thông qua hình thức này, việc tương tác có thể đến với bà con nông dân ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, trước đây nông dân vùng sâu, vùng xa muốn tham gia các hoạt động của Trung tâm khuyến nông quốc gia rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu thực hiện chuyển đổi số thành công sẽ đến được vùng xa nhất.
Ngoài ra, với hệ thống truyền thống rất khó khuyến khích các hộ làm tốt. Nhưng, với công nghệ số, chuyển đổi số sẽ minh bạch được những hộ làm tốt, có tư tưởng kinh doanh, marketing tốt. Nông dân trồng nhãn giỏi ở Hưng Yên, trồng vải giỏi ở Bắc Giang có thể giới thiệu bán hàng và điều này sẽ tạo thành phong trào, động lực nông dân.
Ông Dương Tôn Bảo –Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn thương mại điện tử là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Từ đó, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã… trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.
Các sản phẩm nông nghiệp của các hộ sản xuất kinh doanh sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, giao dịch mua bán trên 2 sàn thương mại điện tử: Postmart.vn và voso.vn.
Ông Lê Quốc Thanh cho rằng, quá trình chuyển đổi số giúp nông dân không chỉ bán sản phẩm đó mà còn bán cả giá trị của sản phẩm đó. Qua 4 làn sóng dịch COVID-19, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vẫn duy trì hoạt động tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình mà không bị gián đoạn.
Ông Đào Thế Anh chia sẻ, dịch COVID-19 vừa là thách thức cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số; người dân chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Hoạt động của Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với hơn 1.400 đầu mối kết nối, cung ứng tiêu thụ nông sản đã cho thấy điều này.
“Kết nối tiêu thụ nông sản năm 2021 có sự thay đổi về tư duy. Trong dịch COVID-19, có sự vào cuộc liên ngành, không chỉ ngành nông nghiệp, công thương mà còn ngành công nghệ” ông Đào Thế Anh nói.
Đưa chuyển đổi số vào quá trình tiêu thụ bưởi Phúc Trạch, ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trung tâm đã phối hợp cùng 19 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch; huyện Hương Khê tập huấn cài đặt ứng dụng, vận hành hệ thống xây dựng cơ sở dữ liệu số để phục vụ cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm, số hóa, quản lý điện tử trên môi trường mạng.
Đến nay, Hà Tĩnh đã cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc, đăng ký tài khoản, nhập liệu cho 162 tài khoản doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và 2.825 tài khoản thành viên. Từ đó, minh bạch thông tin, giúp người quản lý và người tiêu dùng nắm rõ nguồn gốc, đưa sản phẩm bưởi Phúc Trạch đến với khách hàng một cách nhanh nhất, tin cậy nhất.
Trong thời gian chưa đầy 1 tháng, đơn vị đã số hóa trên diện tích 990 ha bưởi. Sau 22 ngày, Hương Khê đã tiêu thụ được 70% sản lượng Phúc Trạch với số lượng 14.000 tấn; trong đó, một số lượng lớn bưởi Phúc Trạch đã được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Sau bưởi Phúc Trạch, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân thực hiện chuyển đổi số trên các sản phẩm nông nghiệp khác như: cam Chanh, cam Bù... nhằm giúp nông dân đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp của Hà Tĩnh đến tận tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ông Đào Thế Anh kỳ vọng sẽ xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ phục cho bà con nông dân tiếp cận với công nghệ số. Qua ứng dụng nền tảng số sẽ cung cấp được các thông tin như: hướng dẫn về danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, các loại phân bón, các tiến bộ kỹ thuật, các giống mới… để bà con khi dùng điện thoại thông minh có thể tra cứu được.
Đồng thời, tăng cường đào năng lực, kỹ năng về bán hàng online cho nông dân, hợp tác xã, đặc biệt vai trò của hợp tác xã rất quan trọng. Hiện nay, Viện Khoa học nông nghiệp có thành lập câu lạc bộ đổi mới sáng tạo ngành rau hoa quả. Tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần, câu lạc bộ này đều có những buổi đào tạo online về công nghệ sản xuất, kỹ năng bán hàng cho nhóm này./.
------
Độc giả đang theo dõi bài viết tại 1Check.vn - hệ thống xác thực điện tử, phát hành tem chống hàng giả hàng đầu tại Việt Nam.