Khó chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái qua thương mại điện tử

Tin tức Đăng ngày 01/08/2020 737 lượt xem

TMĐT tăng trưởng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ hàng lậu, hàng giả lớn

Chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày một lớn, các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở của pháp luật để buôn lậu hàng hóa, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT). Đến nay, chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Đây là chia sẻ của ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ Ban 138/CP (phòng chống tội phạm) và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (phòng chống buôn lậu), diễn ra ngày 23/7.

389

Ông Trần Hữu Linh báo cáo và đề xuất giải pháp chống vi phạm trên môi trường TMĐT. Ảnh: Hải Anh

Ông Hữu Linh cho biết, trước khi có dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 được dự báo vào khoảng 43%, đưa Việt Nam trở thành một nước có nền TMĐT tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, dự kiến đạt doanh thu 33 tỷ USD vào năm 2025.

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, TMĐT càng nổi lên trở thành một phương thức quan trọng giúp người dân giao dịch, mua bán hàng hóa phục vụ đời sống hàng ngày, tránh được các tiếp xúc trực tiếp không cần thiết.

“Chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày một lớn, các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở để cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên Internet; quảng bá trực tuyến và khuyến mại rầm rộ; thẩm lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay… bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô ngày một lớn…" - ông Trần Hữu Linh nói. 

Để đấu tranh với các vi phạm trong TMĐT, ông Hữu Linh cho biết, ngày 7/7/2020, Tổng cục QLTT đã phối hợp với lực lượng chức năng tấn công vào một kho hàng lậu, hàng giả tại thành phố Lào Cai, có quy mô trên 10.000m2 được dùng để chứa trữ hàng hóa và làm địa điểm tổ chức kinh doanh trên Internet, do đối tượng Trần Thành Phú (28 tuổi) cầm đầu.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện toàn bộ hàng hóa tại đây là hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ. Một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của những nước phát triển như Mỹ, châu Âu. Toàn bộ số hàng này đã phải kiểm đếm trong 4 ngày 4 đêm mới xong và được niêm phong vào trong 34 container. Tổng số sản phẩm tạm giữ là 158.014 đơn vị sản phẩm nằm trong 237 chủng loại hàng hóa.

Qua khai thác thông tin ban đầu, nhóm của Trần Thành Phú đã thuê trên 70 nhân viên các loại để vận hành kho hàng và kinh doanh TMĐT bán lẻ bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook. Mỗi ngày nhóm này bán được trên 1.000 đơn hàng, doanh thu hàng tháng riêng phần bán lẻ như vậy là hơn 10 tỷ đồng. Sao kê do phía ngân hàng cung cấp cho cơ quan an ninh cộng dồn tới thời điểm kiểm tra của nhóm đối tượng là hơn 649 tỷ đồng, chỉ trong chưa đầy 2 năm vừa qua.

“Đây là vụ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua TMĐT lớn nhất từ trước tới nay…” - ông Hữu Linh nói.

Cần có sự hợp tác vào cuộc của các lực lượng chức năng

Đề cập đến việc đấu tranh vi phạm trong kinh doanh TMĐT, ông Hữu Linh cho biết gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.

Hơn nữa, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch TMĐT, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Thẩm quyền của lực lượng QLTT không thể đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng mà phải thông qua cơ quan công an.

Gần đây các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu trên mạng thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận để cất giấu và vận chuyển hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng nhưng lực lượng QLTT không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra. Hiện nay, qua nhiều trường hợp phát hiện các đối tượng thường thuê các căn hộ chung cư vừa làm nhà ở, vừa làm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Các khu vực này thường có an ninh, bảo mật cao gây khó khăn cho công tác tiếp cận, trinh sát.

Ông Hữu Linh cho rằng, để đấu tranh có hiệu quả với buôn lậu gian lận kinh doanh TMĐT cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng chức năng: QLTT, các cơ quan như công an, ngân hàng, hải quan, thuế vụ cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng). “Thành công trong xử lý vụ việc ở Lào Cai vừa qua chính là minh chứng cho công tác phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục QLTT với các đơn vị thuộc Bộ Công an…” - ông Hữu Linh dẫn chứng.

Ông Hữu Linh cũng đề nghị, bộ, ngành có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT đặc biệt với đối tượng cung cấp thông tin hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm tại Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.  Đẩy mạnh xúc tiến làm việc với Facebook để hợp tác, xử lý nhanh các vấn đề liên quan tới bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với những phương thức kinh doanh rất mới như livestream trên mạng xã hội này./.

Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam

Nhiều người xem