Giả mạo hàng hóa của thương hiệu nổi tiếng: Nhiều thủ đoạn tinh vi

Tin tức Đăng ngày 12/08/2021 503 lượt xem

Liên tiếp phát hiện vi phạm

Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, lưỡi cưa, thậm chí cả gas…

Điển hình, tại Công ty Cổ phần Thiết bị nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Đội QLTT số 22 (Cục QLTT Hà Nội) đã thu giữ 17.100 khẩu trang 3M có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu khẩu trang 3M đã đăng ký bảo hộ ở Việt Nam. Tại Hà Giang, trong tháng 7, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Giang) đã phát hiện 4 vụ việc trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam như Samsung, Makita, Bosch, Adidas, Nike, Caesar; xử phạt 44 triệu đồng, buộc tiêu hủy 446 sản phẩm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Trong khi đó, Cục QLTT Thừa Thiên Huế cũng tịch thu 1.290 bộ quần áo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Lacoste, Gucci, Chanel với trị giá ban đầu ước tính trên 200 triệu đồng…

Giả mạo hàng hóa của thương hiệu nổi tiếng: Nhiều thủ đoạn tinh vi
Cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa nghi giả mạo thương hiệu

Không chỉ hàng quần áo, giày dép, lưỡi cưa,… gas cũng là một trong số những mặt hàng nhiều đối tượng làm giả mạo nhãn hiệu. Đội QLTT số 4 (Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp) đã phát hiện Công ty TNHH Thương mại An Thành ĐT (TP. Sa Đéc) bày bán 199 LPG chai có gắn niêm màng giả mạo nhãn hiệu Totalgaz của Công ty TNHH TOTALGAZ Việt Nam. Làm việc với Đội QLTT số 4, chủ cơ sở khai nhận số bình LPG được công ty mua trôi nổi của một người không rõ địa chỉ với mức giá rẻ về kinh doanh lại kiếm lời.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Trong năm 2020, với việc triển khai quyết liệt và đổi mới phương thức kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT, tại hầu hết các địa bàn nổi cộm, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể so với trước đây, ý thức chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh dần được cải thiện. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn khiêm tốn.

Theo luật sư Nguyễn Thị Hương - Phó giám đốc Thực thi quyền sở hữu trí tuệ Công ty TNHH Tư vấn Sở hữu trí tuệ IP (Công ty Đại diện chủ thể quyền cho nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới tại Việt Nam), ngày càng có nhiều người kinh doanh hàng giả. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; nhiều đối tượng vi phạm luôn tìm cách để lách, tìm ra sơ hở để trốn tránh kiểm tra.

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm mới phát sinh trên thị trường, Tổng cục QLTT đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 về Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không thể truy xuất nguồn gốc và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2021- 2025 . Đây là kế hoạch dài hơi, với mục tiêu cụ thể cho từng năm. Theo đó, lực lượng QLTT đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam kết đối với tất cả các cơ sở kinh doanh. Đồng thời, kết hợp các biện pháp tăng cường theo dõi, rà soát, phân loại các đối tượng, nhận diện các mặt hàng mới và thủ đoạn mới để kịp thời đấu tranh ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, chủ sở hữu quyền thương hiệu cũng cần kiên trì và phối hợp chặt chẽ để thực hiện hóa kế hoạch hành động chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức để phân biệt hàng thật, hàng giả.

Nguồn: Báo Công Thương 

Nhiều người xem