Đẩy lùi hàng giả, hàng nhái: Cần chế tài mạnh tay hơn

Tin tức Đăng ngày 30/09/2021 477 lượt xem

Có nhiều đối tượng kinh doanh hàng giả, buôn lậu rất manh động và sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng, vì vậy việc đấu tranh ngăn chặn cũng như phòng, chống sẽ gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế.

Hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ. 
 

Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp mạnh, nhưng các vụ buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra khá phổ biến và ngày càng có xu hướng phức tạp, tinh vi hơn. Đặc biệt lợi dụng tình hình dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng xấu đã “thừa nước đục thả câu”, sản xuất, buôn bán khẩu trang, đồ bảo hộ, trang thiết bị y tế, thậm chí làm giả thuốc điều trị Covid-19… gây bức xúc trong dư luận.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, những vụ buôn bán hàng giả có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên sẽ bị truy tố, còn dưới mức này, xử lý hành chính. Đây có thể xem là kẽ hở để các đối tượng vi phạm lợi dụng chia nhỏ hàng hóa vi phạm nhằm trốn tránh xử lý hình sự. Thậm chí, các đối tượng chấp nhận bị xử lý hành chính và vẫn tái phạm. 

Số liệu thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lũy kế từ ngày 1/1 đến 30/8/2021, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện xử lý 35.696 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 222 tỷ đồng. Riêng tháng 8, theo báo cáo nhanh, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý hơn 3.720 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách hơn 11 tỷ đồng.

Có nhiều đối tượng kinh doanh hàng giả, buôn lậu rất manh động và sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng, dẫn đến việc đấu tranh ngăn chặn cũng như phòng, chống sẽ gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế.

Vì vậy, để hóa giải tình trạng trên, cần có những công cụ, giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ nhằm sớm ngăn chặn và đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng. Hiện Bộ Công Thương đang trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Trong đó điểm nổi bật là dự thảo bổ sung thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại... nhằm gia tăng thẩm quyền và tính chủ động của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm hành chính ngày càng tinh vi hiện nay.

Cùng với việc từng bước hoàn thiện khung khổ pháp luật, lực lượng quản lý thị trường cũng chú trọng công tác tuyên truyền. Theo đó, triển khai kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (kế hoạch 888) rộng khắp trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, với những mục tiêu rất cụ thể, ví dụ như tuyên truyền, ký cam kết đối với tất cả các cơ sở kinh doanh không sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng lậu… Đồng thời, tăng cường theo dõi, rà soát, phân loại các đối tượng để có những giải pháp tuyên truyền, giám sát, quản lý nhằm ngăn chặn cũng như phát hiện kịp thời gian lận thương mại, hàng giả xuất hiện trên thị trường.

Nguồn: vietq.vn

Nhiều người xem