Quá trình gọi vốn là một cuộc đua vô cùng khắc nghiệt, nơi mà kẻ thua cuộc sẽ nhanh chóng bị loại bỏ và lãng quên không thương tiếc, còn người chiến thắng cũng phải vật lộn tìm hướng đi để sản phẩm của mình được nhìn thấy ánh sáng mỗi ngày.
Theo báo cáo xu hướng của Topica Founder Institute (TFI) năm 2016, giá trị chuyển nhượng trên thị trường khởi nghiệp tăng đột biến, nhưng số lượng hợp đồng lại tinh giản, cho thấy động thái cẩn trọng trong hoạt động của các nhà đầu tư mạo hiểm.
Startup gọi vốn đã khó, nay càng khó hơn, và trái ngọt chỉ dành cho những kẻ xuất chúng nhất.
Dưới đây là những chia sẻ từ kinh nghiệm “sống còn” từ ông Trần Vinh Quang - COO Công ty Appota - Startup đầu tiên gọi vốn Series C thành công với tổng giá trị lên đến 10 triệu USD.
Chớ "bán mình"
Lựa chọn nhà đầu tư cũng giống như việc tìm kiếm một động cơ tốt cho bệ phóng của mình tăng tốc thật nhanh. Nếu lựa chọn không đúng, điều đó hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới hệ thống của bạn. Chính vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn - những nhà khởi nghiệp sẽ lựa chọn thật cẩn thận nhà đầu tư, thay vì bị “choáng” bởi những con số với thật nhiều số 0 hoành tráng và bán mình cho “quỷ dữ”.
Hơn bất cứ một điều gì khác, nguồn vốn chính là điều quan trọng nhất đối với một startup. Nhưng như thế không có nghĩa là “nhắm mắt đưa chân” lựa chọn vội vàng. Startup cũng cần phải tránh những “chiếc ví” không phù hợp với mình:
1- Nhà đầu tư có quá nhiều điều kiện như là rút vốn sớm hay yêu cần quá nhiều quyền trong công ty, can thiệp vào công việc điều hành đến mức sửa sản phẩm/ dịch vụ mà công ty đang tập trung. Hay đòi hỏi quá nhiều cổ phần, mặc dù mới chỉ dừng ở vòng gọi vốn đầu tiên.
2- Tiếp cận doanh nghiệp của bạn với mục đích trục lợi, ra điều kiện khoản đầu tư như một khoản cho vay tài chính và đòi hỏi lãi suất.
3- Và đặc biệt, nên tránh những nhà đầu tư không hiểu về giá trị hay mục tiêu của công ty, bởi sự thiếu đồng cảm có thể dẫn đến sự bất hòa trong suốt quá trình hợp tác của một startup và nhà đầu tư.
Hãy “kết bạn” với những nhà đầu tư không chỉ phù hợp về chiến lược kinh doanh mà còn có thể trở thành một “cố vấn” chia sẻ cho startup non trẻ của bạn những kinh nghiệm, sự hỗ trợ về xây dựng công ty hay “bí quyết” để có thể thành công trong những vòng gọi vốn tiếp theo.
Luôn ở chế độ "tồn tại"
Một số công ty khởi nghiệp được so sánh với những xác sống di động, bởi họ ra mắt thất bại và không thể tăng trưởng mặc dù đã tiếp cận thành công nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Thị trường Việt Nam hiện nay cũng đã chứng kiến sự thất bại của rất nhiều startup khi chỉ chú trọng vào gọi vốn mà quên đi chiến lược phát triển công ty, khiến việc gọi vốn trở nên khó khăn.
Thậm chí, nhiều startup còn “sảy chân”, “lỡ bước” ngay sau vòng gọi vốn vì không lường trước được những bế tắc, khủng hoảng bất ngờ trong kinh doanh như scale up, phát triển sản phẩm, định hướng thị trường…
Không thể phủ nhận rẳng người luôn kinh doanh sẽ luôn có nguy cơ gặp phải những rủi ro và bất trắc. Chính điều đó buộc startup phải luôn luôn vững tinh thần và bật chế độ “survival” (tồn tại). Dù có tiền đầu tư cũng không thể lơ là hay chủ quan, hoặc chỉ trông chờ vào gọi vốn để phát triển công ty.
(Theo Topica Founder Institute)
1Check.vn - Bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.