Không để hình thành các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Kiến thức Đăng ngày 20/01/2021 631 lượt xem

Các nhiệm vụ trọng tâm

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 185.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 25.000 tỷ đồng (tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019), khởi tố 2.543 vụ án, với hơn 3.502 đối tượng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm và buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn nhiều hạn chế. Để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình – Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và chống hàng giả; phải luôn xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; thủ trưởng các đơn vị, lực lượng chức năng phải có quyết tâm cao trong phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác theo quy định.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, nhất là đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng, “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. Tổ chức phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thuế,...), kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “liêm chính, bản lĩnh”, có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, công tác nghiệp vụ, điều tra cơ bản, nắm chắc địa bàn, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả, nhất là đối với các loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây.

Đối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, ma túy, “tín dụng đen”, sử dụng công nghệ cao, khai thác cát sỏi; buôn lậu, nhất là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, sản xuất, kinh doanh hàng giả, các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, tội phạm tham nhũng.... Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng cần xác lập chuyên án để mở rộng xác minh, điều tra triệt phá tận gốc, đánh trúng đối tượng cầm đầu.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, doanh nghiệp, tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí, nhất là người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, không để hình thành các điểm nóng về an ninh, trật tự.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong phòng, chống tội phạm và quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội; rà soát, xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, sơ hở.... Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vừa tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí thực hiện vừa góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực... tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả chức trách của mình, nhất là các bộ, ngành có lực lượng chuyên trách trong công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như công an, biên phòng, hải quan, thuế, cảnh sát biển, quản lý thị trường…

Theo đó, Bộ Công an chỉ Bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại Hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; triển khai các kế hoạch, biện pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; Xử lý nghiêm, triệt để tình trạng cán bộ chưa đề cao trách nhiệm trong thi hành công vụ, chấp hành không nghiêp quy chế, quy trình công tác, vi phạm pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương để tội phạm lộng hành, kéo dài, gây bức xúc dư luận. 

Bộ Tài chính, Cơ quan Thường trực của BCĐ 389 quốc gia: Chỉ đạo Tổng cục Thuế tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về thuế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ ngay từ đầu; tránh để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện phức tạp kéo dài, có biện pháp ngăn chặn, sử lý hiệu quả tình trạng chuyển giá, trốn thuế.

Chỉ đạo Tổng cục Hải quan Tổng nghiên cứu xây dựng cơ chế xác định trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong công tác quản lý rủi ro, phân luồng tờ khai hải quan; làm tốt công tác thu thập thông tin, đánh giá, phân loại doanh nghiệp để có biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp, tạo thông thoáng trong hoạt động XNK nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng, chống buôn lậu, chống thất thu thuế.

Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp tốt với Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là việc kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của trưởng ban, nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng thường trực.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện các chính sách về thương mại biên giới, kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất, nhất là các quy định về nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. 

Cùng với đó, chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; xâu dựng cơ chế giám sát chặt ché hoạt động công vụ của CBCC, không để phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Kiên quyết điều chuyển người đứng đầu các địa bàn khi để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, nổi cộm; phối hợp với các lực lượng liên quan, nhất là lực lượng hải quan để quản lý tốt hàng hóa có yếu tố nước ngoài, đề xuất, hoàn thiện chính sách  liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bộ Quốc Chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, kiên quyết không để tình trạng vận chuyển hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh trái phép nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp  ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Kiên quyết điều chuyển, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để hàng hóa thẩm lậu xảy ra nghiêm trọng nhiều lần trên địa bàn. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát biển tăng cường phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường… xác lập chuyên án triệt phá các đường dây buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá qua biên giới trên biển.

Các cơ quan truyền thông: Bộ Thông tin và truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, đài Tiếng nói Việt nam, thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, lực lượng chức năng xây dựng chương trình truyền thông phù hợp, tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CBCC, người dân trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Biểu dương những tấm gương tích cực, những địa phương làm tốt…

UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.  Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng trong thực thi công vụ; không để phát sinh các điểm nóng về tội phạm, các tụ điểm tàng trữ, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, tình trạng chặt phá rừng, khai thác cát, sỏi trái phép xảy ra trên địa bàn quản lý; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về tình hình an ninh trật tựtrên địa bàn.

Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, kiểm tra đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban. Định kỳ có văn bản tóm tắt về tình hình công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, báo cáo trưởng ban.

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng quy chế phối hợp trong công tác tham mưu, tổng hợp, giúp trưởng ban chỉ đạo điều hành công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống  hàng giả.

Nguồn: Trung tâm chống hàng giả - Tạp chí Hàng hóa & Thương hiệu

Nhiều người xem